Lời Trình Bạch
Nhân lễ Tưởng niệm và Cung Thỉnh Xá Lợi Của Tôn Sư - Húy thượng Quảng hạ Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Hải Táng Hội Nhập Pháp Giới Tạng Thân
Kính bạch Tôn Sư!
Trước khi Thế Tôn Niết bàn, Ngài đã có lời Di huấn cho hàng đệ tử rằng: “Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy”.
“…Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”.
“…Tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy. Vì thế mà các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản”.
“…phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi, nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó. Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có niết bàn. Đó là hạnh ít ham muốn”.
“…Chánh niệm có sức lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên chánh niệm”.
“..Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tấn, nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn”.
“…Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bịnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bịnh tật, là búa sắc chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn tư tu chứng, để tự tăng tiến ích lợi. Có trí tuệ soi chiếu, thì dẫu mắt thịt, cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ”.
“…Các thầy Tỷ kheo, nếu hý luận đủ thứ thì tâm trí rối loạn. Như vậy, tuy đã xuất gia mà chưa được siêu thoát. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy từ bỏ tức khắc sự hý luận rối loạn tâm trí. Các thầy muốn thực hiện cái vui tịch diệt, thì chỉ có cách cấp tốc diệt trừ cái họa hý luận…”.[1]
Ngưỡng bạch Tôn Sư!
Qua lời giáo huấn vắn tắt tối hậu của đức Thế Tôn như vậy xong. Đêm ấy, Ngài liền chứng nhập Niết bàn và những lời giáo huấn tối hậu ấy đã được các bậc Tỷ kheo giới đức và các bậc Thánh trí trong đương hội bấy giờ y giáo phụng hành.
Chính đêm ấy, trăng tròn tháng hai âm lịch cách đây hai mươi sáu thế kỷ, Thế Tôn ở rừng Sa-la, giữa Song thọ của Xứ Kusinaga, Ngài chứng nhập Niết bàn, sau đó ứng hóa thân của đức Thế Tôn đã được Đại chúng tẩm liệm với nghi lễ của một vị Chuyển luân Thánh vương và cung thỉnh đến nơi an trí để làm Đại lễ Trà-tỳ. Đức Thế Tôn đã lưu lại Xá-lợi để làm lợi lạc thế giới trời, người. Mười sáu vương quốc vào thời đức Thế Tôn giáo hóa đều đến cung thỉnh Xá-lợi của Ngài để phụng thờ vào những nơi Tôn kính bậc nhất của quốc gia và xem xá-lợi của Ngài là quốc bảo tối thượng.
Lời giáo huấn tối hậu ấy của đức Thế Tôn, đã được lịch đại Tổ sư qua các thời kỳ từ Tây thiên, Đông độ, Việt Nam truyền thừa xuyên suốt các thời đại, Tâm Tâm ấn chứng, Tổ Tổ tương thừa, khiến ngọn đèn Chánh pháp của Như lai sáng mãi giữa đêm trường sinh tử, làm cho ai có mắt thì thấy, có tâm thì cảm, có trí thì thấy rõ chánh tà, chân vọng, Đại tiểu, Thiên viên. Chánh thì theo, tà thì bỏ; chân thì nhận, vọng thì buông; Đại thì sống, tiểu thì xả; Viên thì trung chính vẹn toàn, thiên thì nghiêng lệch, xiêu vẹo.
Nay, Tôn Sư, một đời xuất gia học đạo và hành đạo, ướp xông ở trong Tịnh giới của đức Như lai, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức, giữa đất nước loạn ly bởi ý thức hệ, sơn môn nguy khó, tà chánh khó lường, giang sơn ngăn đôi dòng Bến Hải; sông Thạch Hãn một thuở chia đôi nhuộm đỏ máu người.
Đất Sài Gòn một thời, Tôn sư nêu cao tâm chất trực, giữ gìn Chánh đạo, không kể tánh mạng, không khuất phục bạo quyền, không dua nịnh, dối trá, quanh co, dù phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn như ngàn cân treo sợi tóc. Thế nhưng, với hạnh nguyện hy hiến và định lực vô úy của Tôn sư, nên không tạo dựng chùa chiền, không kiến lập đạo tràng, không vướng mắc tự viện cho riêng mình, mà chỉ một đời tu đạo và hành đạo hiến dâng tuệ giác cho Đạo pháp; sự thanh tịnh và uy dũng cho Tăng già, mạng mạch truyền thừa chính thống, vận động tự do, dân chủ cho Dân tộc, hạnh phúc cho Dân sinh, công bằng cho xã hội và nhân quyền cho ngôi nhà chung của nhân loại.
Nên, cũng có lần, Tôn sư dạy chúng con liên lạc với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và đức Đạt-lai-lạt-ma cùng với Tôn sư và các bậc cao đức khác, cùng có một Thông cáo chung về tình trạng bất ổn của thế giới và xây dựng một ngôi nhà chung cho toàn thể Phật giáo đồ trên thế giới, làm chỗ nương tựa giới đức an toàn cho nhân loại, nhưng rất tiếc lời dạy này của Tôn sư, chúng con chưa chu toàn được bổn phận, vì có nhiều chướng ngại khác nhau từ nội nhân đến ngoại duyên.
Tuy nhiên, ý nguyện chưa thành, nhưng Tôn sư vẫn kiên định và từng dạy chúng con: “Việc giữ gìn Môn phong, Giáo hội, Tăng Ni Phật Tử mỗi người tự thân phải lo lấy bằng chính giới đức thanh tịnh của mình, bằng tất cả năng lực Thiền định và Tuệ giác, chứ không thể cậy nhờ ai khác hay từ những thế lực nào khác. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bây giờ còn lại cột nhà cháy, nhưng tôi vẫn sẵn sàng ôm cột nhà cháy ấy mà chết”.
Với tâm kiên định của Tôn sư đối với Giáo Hội, với Đạo pháp và Dân tộc cũng như Nhân loại trước sau như một, bất biến, không thay đổi, không biến dịch, không tùy duyên, dứt khoát và bất động như thế.
Nên, Trí Quang Thượng Nhân đã từng xưng tán Tôn sư: “Phật Pháp Công Thần”.[2] Nghĩa là Vị Công Thần trong Phật Pháp hay “Pháp Vương Trung Lương Kiệt”.[3] Nghĩa là Bậc Anh Kiệt trung lương của Đấng Pháp Vương. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã có lời xưng tán và Tôn kính Tôn sư là vị Bồ tát Vô úy: “Bằng đức vô úy lớn lao, thầy Quảng Độ đã cứu chuộc được cho tất cả chúng ta. Có thầy Quảng Độ, chúng ta mới dám ngửa mặt lên nhìn người và mới dám nhìn thẳng vào con mắt của con cháu chúng ta. Thầy Quảng Độ là vị Bồ Tát có khả năng cứu chuộc được cho tất cả chúng ta, gột sạch được cho thế hệ chúng ta với cái tội hèn nhát, không dám lên tiếng trước bạo lực, áp bức và độc tài”.[4] Đức Đạt-lai-lạt-ma lại có lời xưng tán Tôn sư là “Bậc huynh trưởng tinh thần của Ngài”. Đức Đạt-lai-lạt-ma viết: “Tôi xin cầu nguyện cho người huynh trưởng tinh thần của chúng tôi và lời phân ưu đến với môn đồ pháp quyến. Mặc dù tôi đã không có cơ hội gặp mặt Đức Tăng Thống, tôi biết là Ngài đã hy hiến bản thân cho việc hoằng hóa độ sinh. Trong lúc chúng ta tưởng nhớ Ngài, chúng ta có thể hoan hỷ là Ngài đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa”.[5] Và Elliott Abrams, Nguyên cố vấn An ninh quốc gia Hoa kỳ, Nguyên Thứ trưởng của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền đã có lời xưng tán: “Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là anh hùng của hàng triệu nhân dân trong thế giới vì sự kiên định, ôn hòa, bảo vệ có ý thức cho tự do của nhân dân Ngài, cũng như cho mục tiêu tự do toàn thế giới”.[6]
Ngưỡng bạch Tôn sư!
Chúng con đã khâm thừa đúng Di huấn Tang lễ của Người và hôm nay đến lúc chúng con cung thỉnh Xá-lợi của Tôn sư về biển cả để Hải táng.
Suốt cả một cuộc đời Tôn sư hành đạo theo Di huấn của Như Lai, lấy giới đức thanh tịnh làm nền tảng, lấy chánh niệm để nhiếp phục hết thảy vọng trần, lấy đại định để nhiếp phục hèn tâm, lấy tuệ giác để nuôi dưỡng chánh chơn, diệt trừ tà vọng… lấy can đảm để kết tinh, khiến nghĩa khí trường tồn, bất hoại, nên sau khi làm lễ trà tỳ, Xá lợi của Tôn sư đã kết thành những chất liệu vô giá này, chúng con đã phụng thờ bằng tất cả lòng thành, nên những ai đối xử với Tôn sư bằng tà tâm vọng niệm, đến với Tôn sư bằng mưu lược cá nhân, bằng tâm điêu ngoa xảo trá, bằng tri thức hữu ngã nhị biên, thì họ hoàn toàn không đủ duyên lành để hiện kiến xá-lợi của Tôn sư, ngay khi chúng con đang phụng thờ ở Phương trượng suốt hơn bốn mươi chín ngày qua cũng như trong lúc phụng thỉnh xá-lợi của Tôn sư nhập vào biển cả.
Ngưỡng bạch Tôn sư!
Và trước khi phụng thỉnh Xá-lợi Tôn sư nhập vào biển tánh giác ngộ, chúng con nguyện tiếp tục làm theo những gì mà Tôn sư đã làm cho Đạo pháp, Dân tộc, Nhân loại và đã di huấn cho chúng con, bằng những di huấn công truyền hay bằng những di huấn ẩn truyền, giữa Thầy với trò; giữa đức Tăng thống với con; hoặc bằng những di huấn vô ngôn mà tự thân chúng con cảm ứng, giác liễu và nhất là nguyện làm đúng Giáo chỉ và Quyết định tối hậu của Tôn sư đã ủy thác bằng kim ngôn và văn bản, tiếp tục duy trì sinh mệnh và sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi Tôn sư thị tịch.
Hôm nay là ngày trọng đại và thiêng liêng nhất đối với Thất chúng đệ tử chúng con: chí thành cung thỉnh Xá-lợi Tôn sư nhập vào biển tính giác ngộ. Duy nguyện Giác linh Tôn sư phủ thùy chứng giám!
Nhất tâm đảnh lễ Tôn sư húy thượng Quảng hạ Độ, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Đệ Ngũ Trưởng lão Hòa thượng Giác linh mẫn thùy chứng giám.
Đại lễ Phật đản PL.2564, Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn
Thay mặt Thất chúng đệ tử
Đệ tử Tỷ khưu Thích Nguyên Lý
[1] Kinh Di Giáo, Trí Quang Thượng Nhân dịch.
[2] 佛法功臣- Năm Mậu Dần - 1998
[3] 法王忠良傑 - Như lai ứng thế 2641 - 2017
[4] Lá thư Làng mai số 23 ra ngày 25-1-2000
[5] Thư Phân Ưu của Đức Đạt-lai-lạt-ma vào ngày 28 tháng 2 - 2020.
[6] Elliott Abrams: điện thư phân ưu nguyên văn tiếng Anh: “Elliott Abrams, Senior Fellow, Council on Foreign Relations, Former Chairman, US Commission on International Religious Freedom (USCIRF), Former US Secretary of State for Human Rights “Thich Quang Do was a hero to millions around the world for his steadfast, peaceful, conscientious support of the freedom of his own people and the cause of freedom around the world. He is one of the millions of victims of communism who paid with years of suffering, deprivation, and isolation for his insistence on freedom of conscience, thought, and religion. Few of us can aspire to the courage he always showed, but we can all be inspired by his life of benevolence and dedication”.